Một số kiến nghị giúp xây dựng củng cố, hoàn thiện nhà nước

- Coi trọng việc xây dựng, củng cố, hoàn thiện Nhà nước, đổi mới quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức chính trị – xã hội

     Nhà nước là rường cột của chế độ, là sức mạnh của quyền lực nhân dân, là thiết chế thông qua đó Đảng thể hiện và thực hiện vai trò lãnh đạo đối với xã hội. Vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng xây dựng Nhà nước ta trở thành một nhà nước pháp quyền mạnh, có thực lực, thực quyền. Đó là một Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có định hướng chính trị đúng, có sức mạnh tối thượng của pháp luật công minh, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, có đội ngũ công chức, viên chức trung thành với chế độ, tận tụy phục vụ nhân dân, có phẩm chất đạo đức tốt, kỷ luật công vụ nghiêm, nghiệp vụ, chuyên môn thành thạo. Đó là một nhà nước trong sạch, vững mạnh, được lòng nhân dân, có khả năng phòng chống được tệ quan liêu, tham nhũng. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

     Để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và hiệp thương dân chủ, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân, các cơ quan nhà nước cần tập trung nghiên cứu, thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về công tác vận động quần chúng, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhất là cơ chế để các tổ chức, đoàn thể trên thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

     Cơ quan quản lý nhà nước các cấp ởtrung ương và địa phương xây dựng quy chế làm việc hoặc chương trình phối hợp hoạt động với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, tạo điều kiện cung cấp thông tin về các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, làm cơ sở để các đoàn thể đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động sát với thực tiễn, thiết thực, hiệu quả.

     Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân phát huy quyền dộc lập, tự chủ về tổ chức, biên chế và tài chính; đảm bảo tính sáng tạo, chủ động trong hoạt động, tổ chức các phong trào, chương trình hoạt động. Quốc hội, Chính phủ cải cách việc phân bố kinh phí ngân sách hàng năm phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, khắc phục cơ chế xin – cho và tình trạng phân bổ theo đầu cán bộ như kinh phí hành chính. Nhà nước nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ cho hoạt động của các đoàn thể, đồng thời tạo điểu kiện để các tổ chức chính trị – xã hội có thêm các nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hợp pháp.

hoàn thiện nhà nước

- Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân

     Xây dựng hệ thống chính trị thực sự trở thành cơ chế tổng thể đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đòi hỏi phải tiếp tục đổi mói tổ chức và phương thức hoạt động của tất cả các bộ phận hợp thành. Do đó, cùng với đổi mới Đảng và Nhà nước, phải đổi mới mạnh mẽ Mặt trận và các đoàn thể, đảm bảo cho các tổ chức này nâng cao chất lượng hoạt động trên cơ sở thực hiện đúng chức năng của mình, không lẫn lộn với các chức năng, nhiệm vụ đích thực của Nhà nước, tập trung vào hoạt động tư vấn, phản biện, giám sát xã hội đối với lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Chỉ khi nào thực hiện được vai trò đó thì Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân mới khắc phục được tình trạng quan liêu hóa, hành chính hóa và hình thức hóa. Bản thân Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải chủ động, nỗ lực tự đổi mới, đồng thời Đảng, Nhà nước phải tạo điều kiện và cơ chế thích hợp cho việc thực hiện sự đổi mới đó.

- Thực hiện đúng đắn và đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ và hiệp thương dân chủ trong tổ chức thực hiện quyền lực của nhân dân lao động, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về nội dung, bản chất của tập trung dân chủ và hiệp thương dân chủ, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện những nguyên tắc trên. Có nhận thức đúng mới có cơ sở để vận dụng thực hiện có hiệu quả trong hoạt động thực tiễn.

     Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa những nguyên tắc trên thành quy chế, quy định trong Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như trong điều lệ, nguyên tắc hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị.

     Cần đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn hoạt động lãnh đạo, công tác đảng, công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động, công tác của Mặt trận Tổ quôc và đoàn thể nhân dân, đặc biệt là vấn đề kết hợp nguyên tắc tập trung dân chủ và hiệp thương dân chủ, trên cơ sở đó tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: văn hóa chính trị